3
Nói thì nói vậy, nhưng cũng chẳng thấy bà thật sự dùng tro để rửa thịt.
Đúng là nói dối!
Phùng Chiếu Thu không biết suy nghĩ của ta, bà đẩy ta ra khỏi bếp, bảo ta qua gọi hàng xóm ở cạnh nhà đến ăn cơm.
“Nhà bên cạnh là nhà họ Giang, có năm người, nhưng phu thê và con trai cả thường xuyên ra ngoài buôn bán, ngày thường chỉ có bà Giang và tiểu muội ở nhà.
“Tiểu muội nhà họ Giang bằng tuổi con, hai đứa chắc sẽ hợp nhau.”
Ta đứng trước cổng sân, mãi không bước ra được.
Quý nữ kinh thành chẳng bao giờ làm những việc như thế này, nếu mời khách dự tiệc, ai mà chẳng cử người hầu đến tận nhà đưa thiệp từ trước mười ngày nửa tháng? Sao có chuyện đích thân mời khách ngay trước bữa ăn chứ?
Nghĩ đến đây, ta tự tát mình một cái.
Đây không phải kinh thành, ta cũng chẳng phải quý nữ. Nương ta là nông phụ, thì ta chính là thôn nữ, lấy đâu ra lắm lễ nghi như vậy?
Ta đẩy cửa, bắt chước dáng đi của Phùng Chiếu Thu, bỗng nhiên cảm thấy thêm vài phần tự nhiên.
Hít một hơi thật sâu, ta gõ cửa nhà họ Giang.
Người mở cửa là Giang tiểu muội, da hơi ngăm, đôi mắt to và sáng, đứng đó như một cành cỏ mạnh mẽ.
Nàng ấy cười nói: “Tỷ tỷ chính là con gái của dì Phùng đúng không? Đôi mắt giống dì Phùng y hệt, đẹp thật đấy!”
Giống y hệt sao?
Hồi nhỏ ta cũng thường nghe người ta nói như vậy, chỉ có điều họ nói về Hầu phu nhân và Lạc Nhu.
Ta từng ôm gương soi trái soi phải, cố tìm ra điểm giống giữa khuôn mặt mình và Hầu phu nhân, nhưng soi mãi cũng chỉ thấy có hai con mắt và một cái miệng, ngoài ra chẳng có chỗ nào giống.
Ta xoa đuôi mắt, hỏi: “Nhìn một cái đã nhận ra sao?”
Giang Thuỵ nói: “Nhìn một cái là nhận ra ngay. Dì Phùng mắt phượng, tỷ tỷ cũng vậy, chỉ có điều tỷ tỷ xinh hơn dì nhiều!”
Giọng Giang Thuỵ không nhỏ, Phùng Chiếu Thu nghe thấy ngay, giọng bà ấy vang vọng qua bức tường: “Dì khi còn trẻ cũng xinh đấy!”
Đúng lúc bà Giang từ trong nhà đi ra, bà thắc mắc hỏi: “Cái gì mà xinh? Gà xinh à? Con gà non ấy, để phần ta ăn.”
Bà Giang đã có tuổi, tai và chân tay không còn nhanh nhạy nữa.
Giang Thuỵ bước tới đỡ bà, cười nói: “Còn phải chờ bà nói sao, lần nào dì Phùng chẳng để phần cho bà.”
Phùng Chiếu Thu làm cả một bàn đầy món, nào gà, vịt, cá, thịt đủ cả, Giang Thuỵ trêu đùa: “Giống như Tết ấy, cũng là nhờ phúc của Niệm Chi tỷ tỷ.”
Thế nhưng những món ăn như vậy, trong nhà quyền quý thì chẳng đáng để lên bàn.
Ẩm thực của quý tộc, thường lấy cái thực làm hạng kém, cái hư mới là cao cấp. Giết gà, không phải để ăn thịt, mà là ăn măng được hầm từ nước gà. Ăn thịt không bằng ăn chay, ăn chay không bằng ăn hoa, ai có thể sống bằng gió và sương thì chính là thần tiên.
Phùng Chiếu Thu từng là tiểu thư quan gia, đương nhiên hiểu rằng những gì bà có thể cho ta tốt nhất, cũng chẳng bằng chút vụn vặt rơi ra từ kẽ tay của Hầu phu nhân.
Vậy nên khi Giang Thuỵ khen ngợi, bà ấy lại có chút áy náy.
Ta nhìn thấy, gắp một miếng thịt gà, nhai ngấu nghiến.
Hầu Phu nhân không thương ta, ngay cả chút vụn vặt rơi ra từ kẽ tay cũng tiếc.
Phùng Chiếu Thu thương ta, dâng hết tất cả vẫn cảm thấy thiếu thốn.
Nếu ta còn không biết điều, thì thật đúng là kẻ ngốc.
4
Ta cứ ngỡ mình sẽ trằn trọc không ngủ được, nhưng không ngờ lại ngủ rất ngon, không mộng mị gì cả. Mãi đến khi nghe thấy tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng của Phùng Chiếu Thu, ta mới tỉnh dậy.
Mở cửa phòng, ta thấy bà ấy như một vị thần hộ pháp giận dữ, trừng mắt nhìn chằm chằm một phụ nữ đang đứng đối diện.
Thấy ta tỉnh, Phùng Chiếu Thu cố gắng gượng nở một nụ cười, nói: “Niệm Chi, con vào phòng trước đi.”
Ta còn chưa kịp phản ứng, thì người phụ nữ đối diện đã cướp lời, cười hớn hở gọi ta lại:
“Nhìn xem dáng vẻ này, xinh đẹp biết bao, trách sao có người nửa đêm chạy đến tìm ta làm mối!
“Niệm Chi cô nương, không phải ta nói quá đâu, cả làng Bảo Hoa này ai mà không biết nhà họ Trương của Trương Tuấn là giàu có nhất? Biết bao cô gái tranh nhau gả cho hắn, chỉ có cô nương là có phúc…”
Phùng Chiếu Thu tức giận quát: “Ngươi nói cái gì vậy? Hắn mặt dày đến cầu hôn, lại còn bày đặt lựa chọn? Còn dám nói là phúc phận của con gái ta? Khốn kiếp! Cút ngay!”
Bà mối cười gượng xin lỗi, có lẽ thấy Phùng Chiếu Thu quá dữ dằn, bà ta quay đầu trực tiếp nói với ta:
“Nam nữ đến tuổi thì phải thành thân, con gái đến tuổi mà không bàn chuyện hôn nhân thì chẳng mấy mà thành gái già không ai thèm lấy. Ta cũng chỉ có ý tốt thôi. Niệm Chi cô nương, cô nương cũng nên khuyên a nương mình, con gái lớn không giữ được trong nhà, giữ lâu rồi thành oán thôi!”
Lời bà ta nói vừa như an ủi, lại vừa mang theo ý khiêu khích.
Hầu phủ cũng đầy những trò đấu khẩu, nhưng đa phần đều uyển chuyển, bóng gió chứ hiếm khi thẳng thừng như thế này.
Phùng Chiếu Thu bị chọc tức không nhẹ, chẳng nói chẳng rằng, bà ấy quay lại bếp lấy một con dao, xông ra đầy khí thế. Bà mối thấy vậy, hoảng sợ bỏ chạy, vừa chạy vừa chửi bà ấy bị khùng.
“Ngươi như thế này thì đừng hòng gả được con gái!”
Phùng Chiếu Thu không nói nhiều: “Cút đi! Ngươi còn dám đến, ta sẽ cho ngươi nằm ngang mà ra khỏi đây đấy!”
Cho đến khi bà mối chạy mất hút, tay của Phùng Chiếu Thu vẫn còn run rẩy.
Bà ấy đúng là tức giận thật.
“Thứ gì thế này, dám nhắm đến con gái ta! Chúng nó tưởng nhà họ Phùng không có ai hay sao? Ta nói cho mà biết, Phùng Chiếu Thu này giết bao nhiêu súc vật rồi, không ngại giết thêm ngươi đâu!”
Ta sợ bà ấy lỡ tay tự làm mình bị thương, liền giật con dao từ tay bà ấy: “Từ chối bà ta là xong, giận dữ làm gì?”
Giang Thuỵ ôm chậu nước đi tới, đứng ở cổng sân, hắt một chậu nước ra ngoài.
“Xua đi vận xui!
“Niệm Chi tỷ tỷ, tỷ không biết đâu, cái tên Trương Tuấn thì nghe kêu thế, nhưng tướng mạo chẳng đẹp tí nào!
Ngoại hình đã kém, nhân phẩm lại càng tệ!
Hắn đã lấy hai vợ, cả hai đều bị hắn đánh đến bỏ chạy. Bây giờ đã hơn ba mươi tuổi, ăn không ngồi rồi, không làm gì mà ngồi hưởng thụ.
Nhà nào tử tế trong làng cũng đều ghét hắn. Vậy mà hắn dám tới hỏi cưới tỷ! Đúng là không biết xấu hổ!”
“Muội tới trễ rồi, đáng lẽ chậu nước này phải hắt vào mặt bà mối đó, xem ai mà dám bắt nạt ai!”
Dù chuyện này khiến ta thấy khó chịu, nhưng cũng giúp ta hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của mình. Nếu còn ở Hầu phủ, người như Trương Tuấn có lẽ đến làm phu khuân vác cũng không xứng.
Nhưng ở làng Bảo Hoa, nếu ta thực sự bàn chuyện hôn nhân, có chọn kỹ đến mấy thì cũng chỉ được một người “Trương Tuấn” tốt hơn chút mà thôi.
Khoảng cách giữa công hầu và thường dân, há chỉ dừng lại ở việc ăn uống, sinh hoạt?
Trong lòng ta dấy lên nỗi sợ hãi, có lẽ quá rõ ràng, nên Phùng Chiếu Thu nắm chặt tay ta:
“Niệm Chi, a nương đã tìm được thầy dạy chữ cho con rồi, con đi học đi. Nếu có tài, thì đi thi để vào làm quan trong nội cung. Nếu không có tài, thì học chút tính toán, chúng ta làm buôn bán.”
Đúng vậy, triều đình hiện nay có thiết lập sáu cục trong nội cung, tuyển dụng tương tự như khoa cử, không xét ngoại hình, chỉ xét tài năng.
Bàn tay của Phùng Chiếu Thu thô ráp nhưng mạnh mẽ, giống hệt như lời bà nói vậy—
“Niệm Chi, a nương tuyệt đối không để con chìm đắm ở đây đâu, tuyệt đối không!”
5
Làng Bảo Hoa từng có một người thi đỗ chức Điển ký chính thất phẩm, rồi đưa cả gia đình lên kinh thành, từ đó thoát khỏi kiếp bùn lầy.
Vì vậy, trong làng vốn có phong tục con gái cũng đi học.
Giang Thụy chính là một trong những người đó, và người thầy mà ta sắp đến bái kiến chính là thầy của nàng ấy.
Ban đầu, Phùng Chiếu Thu định đích thân đưa ta đi, nhưng sáng nay con bò nhà ta đột nhiên trở dạ, bà ấy không thể rời đi, nên đã nhờ Giang Thụy giúp ta.
“Phu tử là người trẻ, nhưng tài năng xuất chúng. Nghe nói là tiểu thư nhà quan lớn ở kinh thành, sau khi phu quân mất thì quyết chí không tái giá, đến làng Bảo Hoa này ẩn cư.”
Giang Thụy nói một mạch về thầy, như đổ đậu ra khỏi ống tre.
Tiểu thư nhà quan lớn, số phận gắn liền với tiền đồ của cha và huynh đệ, mỗi khi đi lại giao tiếp, dù chỉ nói về phấn son, trang sức, thì những lời thốt ra cũng phải cân nhắc ba phần.
Giang Thụy và ta có khả năng sẽ cạnh tranh nhau trong trường thi, thế nhưng nàng ấy lại không hề giấu giếm, điều này khác hẳn với những gì ta từng chứng kiến từ nhỏ.
Ta nói ra suy nghĩ của mình, Giang Thụy bật cười sảng khoái, nụ cười rạng rỡ như ánh bình minh.
” Niệm Chi tỷ tỷ gặp phu tử rồi sẽ hiểu.”
Nhà thầy nằm bên hồ, dựa nước mà sống, chỉ có một con đường nhỏ dẫn đến.
Bên đường liễu rủ hoa nở, đi qua cứ như chạm vào cành liễu, phong cảnh thật thanh nhã, tựa như chốn đào nguyên giữa đồng quê.
Cuối con đường là hàng rào trúc xanh, cổng trúc mở rộng. Trong sân, một phụ nữ mặc đạo bào đang đứng dưới gốc cây, hình như… đang uống rượu?
Thấy Giang Thụy đến, bà ấy vỗ trán: “Quên mất, hôm nay khai giảng!”
Giang Thụy bất đắc dĩ nói: “Phu tử, trước khi học trò khác đến, phu tử hãy mau tỉnh rượu đi!”
Tề Kiến Chân đặt bình rượu xuống, ánh mắt đảo qua mặt ta, rồi bà nói: “Con bé này, hình như ta gặp ở đâu rồi?”
Giang Thụy xoa trán: “Mấy hôm trước con có nhắc với người rồi mà, đây là con gái dì Phùng, mới từ kinh thành về. Phu tử có gặp cũng chẳng lạ gì. Phu tử mau chuẩn bị đi, giờ đã sắp đến rồi.”
Tề Kiến Chân “ồ” một tiếng: “Dì Phùng của con cũng quen mắt.”
“Chẳng quen sao được? Măng mà phu tử ăn mỗi năm đều là dì Phùng đi đào cho người mà.”
Giang Thụy quay sang ta, nói: “phu tử chưa tỉnh rượu, đang nói linh tinh thôi.
Lẽ ra chúng ta nên đến sớm để người nhớ tên tỷ, nhưng không ngờ người lại uống rượu nữa rồi. Muội nghĩ sáng nay coi như bỏ đi, chiều phu tử tỉnh là tốt rồi. Thôi, muội đưa tỷ vào chỗ ngồi.”
Ngôi trường cũng làm bằng tre, để lấy ánh sáng chỉ dựng nửa bức tường. Bên ngoài là rừng trúc, gió từ hồ thổi vào, mùi tanh của nước bị rừng trúc cản lại, chỉ còn lại hương trúc thanh mát vương trên má.
Người ta nói ba đời giàu sang mới biết ăn biết mặc, nhưng chỉ riêng nơi ở của Tề Kiến Chân đã cho thấy bà có sự tinh tế như vậy, chắc chắn xuất thân không tầm thường.
Nhưng tất cả những điều đó chẳng liên quan gì đến ta. Ta ngồi xuống trước bàn, trên bàn có một cuốn Xuân Thu. Ta từng thấy cuốn sách này trong tay Lạc Như, Hầu phu nhân đã dạy nàng từng câu từng chữ.
Còn giờ đây, cuốn sách này là của ta.
Ta sẽ không phải hé cửa nhìn trộm thứ hạnh phúc không thuộc về mình nữa.
Phùng Chiếu Thu sẽ giống như Hầu phu nhân đối với Lạc Như, giữ cho ta một mái nhà, che chở ta khỏi giá lạnh.